Giải đáp thắc mắc, hướng dẫn thực hiện liên quan đến các quy định, thủ tục về thuế đối với doanh nghiệp có giao dịch liên kết
Hỏi: Doanh nghiệp vay ngân hàng với khoản vay giá trị 25% vốn góp của doanh nghiệp, vậy ngân hàng có phải là bên liên kết của doanh nghiệp theo Nghị định số 20/2017/NĐ-CP, Nghị định số 132/2020/NĐ-CP và Nghị định số 68/2020/NĐ-CP về chuyển giá không? Doanh nghiệp tra cứu, tìm hiểu thông tin ở đâu để biết được quốc gia của công ty mẹ có ký thỏa thuận tự động trao đổi thông tin tự động để doanh nghiệp không phải nộp báo cáo lợi nhuận liên quốc gia? Nghị định số 132/2020/NĐ-CP về giao dịch liên kết, những trường hợp nào doanh nghiệp phải nộp báo cáo lợi nhuận liên quốc gia? Trường hợp quốc gia của công ty mẹ không ký thỏa thuận cơ chế trao đổi thông tin tự động, quốc gia công ty mẹ không yêu cầu công ty mẹ lập báo cáo lợi nhuận xuyên quốc gia theo luật thì doanh nghiệp có phải nộp báo cáo này cho cơ quan thuế không? Nếu không, doanh nghiệp có phải nộp công văn cho cơ quan thuế giải thích về nội dung này không?
Trả lời:
Về việc vay ngân hàng với khoản vay 25% vốn góp của Doanh nghiệp, theo Điểm d Khoản 2 Điều 5 Nghị định số 132/2020/NĐ-CP ngày 05/11/2020 của Chính phủ quy định về quản lý thuế đối với doanh nghiệp có giao dịch liên kết.
“Điều 5. Các bên có quan hệ liên kết
……
2. Các bên liên kết tại khoản 1 Điều này được quy định cụ thể như sau:
…..
d) Một doanh nghiệp bảo lãnh hoặc cho một doanh nghiệp khác vay vốn dưới bất kỳ hình thức nào (bao gồm cả các khoản vay từ bên thứ ba được đảm bảo từ nguồn tài chính của bên liên kết và các giao dịch tài chính có bản chất tương tự) với điều kiện khoản vốn vay ít nhất bằng 25% vốn góp của chủ sở hữu của doanh nghiệp đi vay và chiếm trên 50% tổng giá trị các khoản nợ trung và dài hạn của doanh nghiệp đi vay;
…..”
Căn cứ quy định nêu trên, nếu doanh nghiệp có phát sinh khoản vay từ một ngân hàng bằng ít nhất 25% vốn góp của chủ sở hữu của doanh nghiệp và chiếm trên 50% tổng giá trị các khoản nợ trung và dài hạn của doanh nghiệp thì doanh nghiệp được xác định là có phát sinh mối quan hệ liên kết với Ngân hàng và thuộc đối tượng áp dụng quy định tại Nghị định số 132/2020/NĐ-CP ngày 05/11/2020 của Chính phủ quy định về quản lý thuế đối với doanh nghiệp có giao dịch liên kết.
Về việc tra cứu thông tin quốc gia có ký kết thỏa thuận trao đổi báo cáo lợi nhuận liên quốc gia tự động với Việt Nam, trong thời gian tới Tổng cục Thuế sẽ công khai thông tin và cập nhật về các thỏa thuận trao đổi thông tin tự động được ký kết giữa các quốc gia với Việt Nam tại Website chính thức của Tổng cục Thuế.
Về việc các trường hợp doanh nghiệp phải nộp báo cáo lợi nhuận liên quốc gia, Khoản 5 Điều 18 Nghị định số 132/2020/NĐ-CP ngày 05/11/2020 của Chính phủ đã quy định cụ thể các trường hợp doanh nghiệp phát sinh nghĩa vụ nộp báo cáo lợi nhuận liên quốc gia. Đề nghị quý Công ty nghiên cứu để hiểu rõ và tuân thủ theo quy định.
Hỏi: Hướng dẫn thực hiện Nghị định số 126/2020/NĐ-CP ngày 19/10/2020 về yêu cầu các công ty thương mại điện tử xuyên biên giới sẽ phải nộp thuế? Cho công ty hỏi trước cái cơ chế cụ thể là sẽ phải nộp thuế như thế nào? Cũng như là mức thuế sẽ tính ra sao và sẽ dựa trên thuế GTGT hay là thuế TNDN hay cả hai? Và có trách nhiệm báo cáo về phía các doanh nghiệp hay không và thực hiện như thế nào? Việc đóng thêm các loại thuế này thì DN hiểu được là sẽ có thêm trách nhiệm báo cáo thuế, báo cáo thuế sẽ tạo áp lực và thay đổi các quy trình hiện tại của DN đó. DN muốn hỏi thêm thông tin cụ thể về các cơ chế hiện tại của quy định này và đồng thời hỏi về tiến độ của thông tư hướng dẫn?
Trả lời:
Nghị định số 126/2020/NĐ-CP ngày 19/10/2020 quy định về trách nhiệm của ngân hàng thương mại, tổ chức trung gian thanh toán trong việc khấu trừ, nộp thay nghĩa vụ thuế của các nhà cung cấp ở nước ngoài cung cấp hàng hóa, dịch vụ cho cá nhân ở Việt Nam.
Đối với hoạt động kinh doanh thương mại điện tử xuyên biên giới:
– Trong trường hợp công ty ở Việt Nam cung cấp hàng hóa, dịch vụ ra nước ngoài, công ty thực hiện kê khai, nộp thuế đối với doanh thu thu được từ nhà cung cấp ở nước ngoài theo quy định tại pháp luật về thuế hiện hành;
– Trong trường hợp nhà cung cấp ở nước ngoài có cung cấp hàng hóa, dịch vụ vào Việt Nam thì trách nhiệm kê khai, nộp thuế, xác định nghĩa vụ thuế của các bên sẽ thực hiện theo Thông tư của Bộ Tài chính khi được ban hành.
Hỏi: Doanh nghiệp chuyên chế biến hạt điều xuất khẩu lớn nhất Thế giới với kim ngạch xuất khẩu đạt trên 200 triệu USD/năm.
Hỏi về quy định khống chế lãi mức trần lãi vay được tính vào chi phí hợp lý đối với doanh nghiệp có giao dịch liên kết, như sau:
– Chúng tôi sản xuất hạt điều nên có nguồn nguyên liệu vỏ điều, nay chúng tôi góp vốn (50%) vào 1 nhà máy chuyên ép vỏ, sản xuất dầu điều để bán nguồn vỏ điều cho nhà máy sản xuất ra dầu điều, như vậy chúng tôi sẽ có thêm lợi nhuận từ việc ép dầu điều thay vì bán thô như trước đây.
– Là nhà sản xuất điều lớn nhất Việt Nam, sản lượng xuất khẩu khoảng 1.600 cont 20”/năm, vì vậy để đẩy mạnh bán hàng chúng tôi đã liên doanh với đối tác nước ngoài, họ là doanh nghiệp hàng đầu trên thế giới về lĩnh vực thực phẩm và hạt (hiện doanh nghiệp nước ngoài có 30% cổ phần trong công ty chúng tôi), hiện tại chúng tôi có xuất khẩu điều nhân cho doanh nghiệp nước ngoài này, thông qua họ xuất khẩu ra thị trường thế giới.
Các giao dịch bán hàng cho các công ty trên đều có giá ngang bằng hoặc cao hơn giá thị trường cùng thời điểm (chúng tôi có đủ hồ sơ để chứng minh).
Vậy các giao dịch trên có bị coi là giao dịch liên kết không? Và chúng tôi có bị khống chế trần mức lãi vay theo Nghị định số 20/2017/NĐ-CP và Nghị định số 68/2020/NĐ-CP không?
Chúng tôi được biết là xu hướng thế giới hiện nay là các doanh nghiệp đang liên kết với nhau, nắm giữ cổ phần của nhau để tận dụng thế mạnh của nhau làm tăng hiệu quả kinh doanh, điều này có bị coi là giao dịch liên kết hay không khi mà họ chứng minh được là giúp tăng nộp thuế cho Việt Nam hoặc các doanh nghiệp trong nước đều có cùng mức thuế TNDN.
Trả lời:
– Tại Khoản 1 Điều 2 Nghị định số 20/2017/NĐ-CP ngày 24/02/2017 của Chính phủ quy định về đối tượng áp dụng:
“1. Tổ chức sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ (sau đây gọi chung là người nộp thuế) là đối tượng nộp thuế thu nhập doanh nghiệp theo phương pháp kê khai và có phát sinh giao dịch với các bên có quan hệ liên kết theo quy định tại Điều 5 Nghị định này.”
– Tại Khoản 3 Điều 8 Nghị định số 20/2017/NĐ-CP quy định: “ 3. Tổng chi phí lãi vay phát sinh trong kỳ của người nộp thuế được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp không vượt quá 20% của tổng lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh cộng với chi phí lãi vay, chi phí khấu hao trong kỳ của người nộp thuế”
– Tại Điều 1 Nghị định số 68/2020/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung Khoản 3 Điều 8 Nghị định số 20/2017/NĐ-CP quy định:
“a) Tổng chi phí lãi vay (sau khi trừ lãi tiền gửi và lãi cho vay) phát sinh trong kỳ được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp không vượt quá 30% của tổng lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh trong kỳ cộng chi phí lãi vay (sau khi trừ lãi tiền gửi và lãi cho vay) phát sinh trong kỳ cộng chi phí khấu hao phát sinh trong kỳ.”
– Tại Khoản 3 Điều 16 Nghị định số 132/2020/NĐ-CP (thay thế Nghị định số 20/2017/NĐ-CP và Nghị định số 68/2020/NĐ-CP) quy định:
“…a) Tổng chi phí lãi vay sau khi trừ lãi tiền gửi và lãi cho vay phát sinh trong kỳ của người nộp thuế được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp không vượt quá 30% của tổng lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh trong kỳ cộng chi phí lãi vay sau khi trừ lãi tiền gửi và lãi cho vay phát sinh trong kỳ cộng chi phí khấu hao phát sinh trong kỳ của người nộp thuế;”
Căn cứ các quy định nêu trên, trường hợp người nộp thuế có quan hệ liên kết theo Điều 5 và trong kỳ tính thuế có phát sinh giao dịch liên kết thuộc phạm vi điều chỉnh của Nghị định số 20/2017/NĐ-CP thì chi phí phí lãi vay được trừ được xác định theo quy định của Luật thuế TNDN và các văn bản hướng dẫn thi hành, đồng thời được xác định theo quy định tại Khoản 3 Điều 8 của Nghị định số 20/2017/NĐ-CP được sửa đổi bổ sung tại Nghị định số 68/2020/NĐ-CP ngày 24/6/2020.
Bài viết trên đây mang tính chất tham khảo nhằm giải đáp cơ bản về các vấn đề liên quan đến doanh nghiệp có giao dịch liên kết, để tìm hiểu đầy đủ những quy định của pháp luật các bạn có thể yêu cầu chát với luật sư riêng hoặc liên hệ với Pháp chế Online để được hỗ trợ. Xin trân trọng cảm ơn!