Giải đáp các thắc mắc về chính sách cho lao động tạm hoãn HĐLĐ, nghỉ việc không lương trong thời gian bị ảnh hưởng bởi đại dịch covid 19
Hỏi: Thành phần hồ sơ đề nghị hỗ trợ đối với người lao động tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương bao gồm “văn bản thỏa thuận tạm hoãn hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương”. Tuy nhiên, tình hình dịch bệnh nên người lao động và người sử dụng lao động không thể gặp mặt để ký văn bản thỏa thuận, vậy có thể xử lý vấn đề này như thế nào cho phù hợp để người lao động được hưởng chính sách hỗ trợ?
Trả lời:
Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đã có văn bản số 2558 /LĐTBXH-VP ngày 05/8/2021 về việc phối hợp triển khai Nghị quyết số 68/NQ-CP của Chính phủ. Tại văn bản, Bộ đã hướng dẫn thành phần hồ sơ đề nghị hỗ trợ đối với người lao động tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương theo quy định tại khoản 1 Điều 15 Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg ngày 07/7/2021 của Thủ tướng Chính phủ được thực hiện như sau:
– Trường hợp người sử dụng lao động và người lao động có văn bản thỏa thuận tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương thì sử dụng văn bản thỏa thuận đó;
– Trường hợp do dịch bệnh hoặc nguyên nhân bất khả kháng không thể thỏa thuận bằng văn bản, hai bên người sử dụng lao động và người lao động có thể thỏa thuận bằng các hình thức khác (qua điện thoại, tin nhắn, thư điện tử,…). Khi có sự thống nhất thỏa thuận về việc tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương giữa hai bên thì người sử dụng lao động ghi rõ cách thức thỏa thuận này vào cột ghi chú của Mẫu số 05 ban hành kèm theo Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg và chịu trách nhiệm về tính chính xác của nội dung thỏa thuận.
Hỏi: Doanh nghiệp có trường hợp người lao động nghỉ không lương từ ngày 19/7/2021 đến hết ngày 10/8/2021 nhưng tháng 7 và tháng 8 năm 2021 vẫn đóng bảo hiểm xã hội. Vậy người lao động có đủ điều kiện hưởng chính sách hỗ trợ theo Chương IV Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg không?
Trả lời:
Trường hợp người lao động nghỉ việc không hưởng tiền lương từ ngày 19/7/2021 đến hết ngày 10/8/2021 thì tháng 7/2021 và tháng 8/2021 người lao động không làm việc, không hưởng tiền lương dưới 14 ngày làm việc trở lên trong tháng, do đó cả người lao động và người sử dụng lao động vẫn phải đóng bảo hiểm xã hội tháng 7/2021 và tháng 8/2021 (theo quy định tại khoản 3 Điều 85, khoản 4 Điều 86 Luật Bảo hiểm xã hội). Người lao động này nghỉ việc không hưởng tiền lương từ 15 ngày liên tục trở lên nếu có đủ có các điều kiện theo Điều 13 Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg thì được hưởng chính sách hỗ trợ quy định tại Chương IV Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg
Hỏi: Trường hợp người lao động và người sử dụng lao động thỏa thuận tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động qua điện thoại thì có được xem xét hỗ trợ theo quy định tại Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg không?
Trả lời:
Ngày 05/8/2021, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội có Công văn số 2558/LĐTBXHVP hướng dẫn triển khai Nghị quyết số 68/NQ-CP và Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg, trong đó trường hợp do dịch bệnh hoặc nguyên nhân bất khả kháng khác không thể thỏa thuận bằng văn bản thì người sử dụng lao động và người lao động có thể thỏa thuận bằng các hình thức khác (qua điện thoại, tin nhắn, thư điện tử…). Khi thống nhất thỏa thuận về việc tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương giữa hai bên thì người sử dụng lao động ghi rõ cách thức thỏa thuận vào cột “Ghi chú” tại Mẫu số 05 ban hành kèm theo Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg và chịu trách nhiệm về tính chính xác của nội dung thỏa thuận.
Hỏi: Tôi là người lao động làm việc tại hộ kinh doanh phải tạm dừng hoạt động theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, dẫn đến hai bên phải thỏa thuận tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động. Vậy tôi có được hỗ trợ theo Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg không?
Trả lời:
Theo Điều 13 Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg thì đối tượng áp dụng không bao gồm người lao động làm việc tại hộ kinh doanh. Do vậy, Anh/Chị không thuộc đối tượng xét hưởng hỗ trợ theo chương IV (chính sách tạm hoãn hợp đồng lao động) Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg. Tuy nhiên, hiện nay Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đang đề xuất sửa đổi, mở rộng thêm đối tượng là người lao động làm việc tại hộ kinh doanh. Vì vậy, đề nghị Anh/Chị theo dõi, cập nhật chính sách mới trong thời gian tới.
Bài viết trên đây mang tính chất tham khảo nhằm giải đáp cơ bản về các vấn đề liên quan đến chính sách cho người lao động tạm hoãn HĐLĐ, nghỉ việc không lương, để tìm hiểu đầy đủ những quy định của pháp luật các bạn có thể yêu cầu chát với luật sư riêng hoặc liên hệ với Pháp chế Online để được hỗ trợ. Xin trân trọng cảm ơn!