Giải đáp các thắc mắc liên quan đến các vấn đề về bảo hiểm y tế (BHYT), vấn đề khám chữa bệnh áp dụng bảo hiểm y tế và các vấn đề phát sinh
Hỏi: Mẹ tôi có mua bảo hiểm y tế tại địa phương (thời hạn 1 năm, hiện tại vẫn còn thời hạn), quá trình làm việc hợp đồng tại trường mầm non mẹ tôi được nhà trường đóng BHXH và BHYT mới song song. Tuy nhiên trong thời gian nghỉ hè và nghỉ dịch thì nhân viên hợp đồng không được cơ quan đóng BHXH nữa. Vậy trong thời gian này mẹ tôi nếu đi khám chữa bệnh có được sử dụng bảo hiểm y tế cũ mà mẹ tôi đã tự mua trước đó ở địa phương được không. Kính mong nhận được sự giải đáp. Tôi xin cảm ơn!
Trả lời:
Căn cứ theo khoản 2 Điều 13 Luật bảo hiểm y tế sửa đổi, bổ sung năm 2014: “Trường hợp một người đồng thời thuộc nhiều đối tượng tham gia bảo hiểm y tế khác nhau quy định tại Điều 12 của Luật này thì đóng bảo hiểm y tế theo đối tượng đầu tiên mà người đó được xác định theo thứ tự của các đối tượng quy định tại Điều 12 của Luật này”.
Căn cứ quy định nêu trên, mẹ của bạn khi làm hợp đồng tại trường mầm non thuộc nhóm 1: “Nhóm do người lao động và người sử dụng lao động đóng”, mẹ bạn tham gia BHYT tự nguyện hộ gia đình thuộc nhóm đối tượng 5 Điều 12 Luật BHYT sửa đổi năm 2014. Khi mẹ bạn làm việc theo HĐLĐ với trường mầm non được nhà trường đóng BHXH, BHYT bắt buộc theo quy định của Pháp luật về BHXH, BHYT thuộc đối tượng nhóm 1 đồng thời thẻ BHYT tự nguyện hộ gia đình của mẹ bạn sẽ phải báo giảm và cơ qua BHXH hoàn trả tiền đóng BHYT.
Theo hướng dẫn tại mục 1.1 khoản 1; khoản 2 Điều 20 Văn bản hợp nhất số 2089/VBHN-BHXH ngày 26/6 của BHXH Việt Nam quy định hoàn trả tiền đóng BHYT như sau: “ Người đang tham gia BHYT theo đối tượng tại Khoản 4, 5 Điều 17 được hoàn trả tiền đóng BHYT trong các trường hợp sau: Người tham gia được cấp thẻ BHYT theo nhóm đối tượng mới, nay báo giảm giá trị sử dụng thẻ đã cấp trước đó (có thứ tự đóng xếp sau đối tượng mới theo quy định tại Điều 12 Luật BHYT).”
Mẹ của bạn nghỉ không lương là mẹ của bạn chưa chấm dứt HĐLĐ hoặc hợp đồng làm việc nên mẹ bạn không thuộc đối tượng tham gia BHYT tự nguyện hộ gia đình theo khoản 5 Điều 12 Luật BHYT năm 2014 sửa đổi bổ sung.
Chúng tôi cung cấp những quy định nêu trên để bạn biết trong trường hợp của mẹ bạn.
Hỏi: Mình đi khám ở Bệnh viện Ung Bứu rồi, giờ ở đó kêu mình về phường đăng ký lại BHYT. Bạn có thể hướng dẫn mình làm lại bảo hiểm được không?
Trả lời:
Vấn đề bạn hỏi không rõ ràng: Bệnh viện ung bướu kêu bạn về phường đăng ký lại bảo hiểm là đăng ký gia hạn thẻ BHYT? Hay đăng ký lại nơi khám chữa bệnh ban đầu?
Về đăng ký gia hạn thẻ BHYT tự nguyện hộ gia đình bạn đến Đại lý thu tiền BHYT/ UBND phường để đóng. Nếu tình hình dịch bệnh không đến được bạn có thể gia hạn online trên cổng dịch vụ của BHXH Viêt Nam, cách thức thực hiện như sau: Dịch vụ thanh toán trực tuyến trên có 5 bước triển khai, cụ thể:
Bước 1: Đăng nhập vào Cổng Dịch vụ công Quốc gia (nếu chưa có tài khoản, có thể tiến hành đăng ký tài khoản một cách dễ dàng theo các bước hướng dẫn trên Cổng DVC Quốc gia).
Bước 2: Trên Menu ở Trang chủ, bạn chọn “Thanh toán trực tuyến” rồi chọn “Đóng BHXH tự nguyện và BHYT theo hộ gia đình”.
Bước 3: Ở màn hình dưới, chọn dịch vụ “Gia hạn thẻ BHYT theo hộ gia đình”.
Lưu ý: Để được giảm trừ mức đóng BHYT theo hộ gia đình, vui lòng nộp tiền trực tiếp tại cơ quan BHXH hoặc đại lý thu BHXH, BHYT nơi đăng ký tham gia BHYT.
Bước 4: Nhập mã thẻ BHYT, chọn số tháng muốn gia hạn và thực hiện tra cứu. Sau khi bạn nhập đúng thông tin, màn hình sẽ hiển thị thông tin tra cứu theo mã thẻ BHYT đã nhập.
Bước 5: Chọn Ngân hàng thụ hưởng của cơ quan BHXH. Tiếp đó, nhấn nút “Thanh toán”.
+ Tại màn hình Payment Platform, chọn Ngân hàng hoặc trung gian thanh toán.
Ví dụ: Chọn Ngân hàng Vietcombank rồi click vào nút “Thanh toán”. Hệ thống sẽ điều hướng qua trang Internet Banking của Ngân hàng Vietcombank.
+ Đăng nhập tài khoản Ngân hàng để thực hiện thanh toán.
Trường hợp bạn thay đổi nơi đăng ký khám chữa bệnh ban đầu, vào tháng đầu mỗi quý bạn mang thẻ BHYT đến Đại lý thu/UBND phường làm thủ tục theo hướng dẫn của Đại lý.
Hỏi: Tôi đóng tiền gia hạn bảo hiểm trước khi hết hạn bảo hiểm 1 tháng nhưng hôm nay đi khám lại được y tá bảo đã bị đổi bệnh viện trong khi tôi không nhận được thông báo nào về việc bị chuyển tuyến hay chuyển bệnh viện khác. Vậy bây giờ tôi phải làm sao có thể đổi BHYT lại về bệnh viện cũ?
Trả lời:
Theo Khoản 1, Điều 9 Thông tư số 40/2015/TT-BYT ngày 16/11/2015 của Bộ Y tế quy định đăng ký khám bệnh, chữa BHYT ban đầu và chuyển tuyến khám bệnh, chữa bệnh BHYT: “Người tham gia BHYT được đăng ký khám bệnh, chữa bệnh ban đầu tại một trong các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh quy định tại các khoản 1, 2, 3, 4, 5, 6, 7 và 9 Điều 5 và Điều 6 Thông tư này (cơ sở khám bệnh, chữa bệnh BHYT ban đầu tuyến tỉnh và tương đương; cơ sở đăng ký khám bệnh, chữa bệnh BHYT ban đầu tuyến trung ương và tương đương) trong các trường hợp sau đây:
… Người thường trú, tạm trú có thời hạn hoặc làm việc trên địa bàn quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh được đăng ký khám bệnh, chữa bệnh ban đầu tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh quy định tại các khoản 1, 2, 3, 4, 5, 6, 7 và 9, Điều 5 và Điều 6 Thông tư này do Giám đốc Sở Y tế quy định sau khi có sự thống nhất bằng văn bản của Giám đốc BHXH tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương”.
Đối chiếu với quy định nêu trên, các cơ sở KCB có tên trong danh sách các cơ sở tiếp nhận đăng ký ban đầu tại tỉnh nơi bạn mua thẻ BHYTdo BHXH tỉnh đó phát hành thì bạn liên hệ với cơ quan BHXH nơi phát hành thẻ BHYT để được hướng dẫn thủ tục thay đổi nơi đăng ký KCB BHYT ban đầu trên thẻ.
Lịch thay đổi nơi đăng ký KCB ban đầu vào đầu mỗi quý.
Hỏi: Tôi nghỉ việc ngày 04 tháng 05 năm 2021 vậy cho hỏi tôi có được Doanh nghiệp đóng BHYT không?
Trả lời:
Theo Điều 50 văn bản hợp nhất số 2089/VBHN-BHXH ngày 26/6/2020 của BHXH Việt Nam quy định trách nhiệm của người tham gia và đơn vị:
Thực hiện lập, nộp hồ sơ; trích nộp tiền BHXH, BHYT, BHTN, BHTNLĐ, BNN theo đúng quy trình, quy định tại Văn bản này và quy định của pháp luật về BHXH, BHYT, BHTN, BHTNLĐ, BNN. Trường hợp đơn vị lập danh sách báo giảm chậm, đơn vị phải đóng số tiền BHYT của các tháng báo giảm chậm và thẻ BHYT có giá trị sử dụng đến hết các tháng đó.
Khi bạn chấm dứt HĐLĐ, hoặc thôi việc DN sẽ thực hiện báo giảm và không đóng tiền BHXH, BHYT, BHTN cho bạn nữa vì vậy thẻ BHYT của bạn không còn giá trị sử dụng.
Bài viết trên đây mang tính chất tham khảo nhằm giải đáp cơ bản về các vấn đề liên quan đến bảo hiểm y tế, để tìm hiểu đầy đủ những quy định của pháp luật các bạn có thể yêu cầu chát với luật sư riêng hoặc liên hệ với Pháp chế Online để được hỗ trợ. Xin trân trọng cảm ơn!